Menu Đóng

Dệt may lo giảm đơn hàng, lợi nhuận phân hoá nửa cuối năm

Đơn hàng ký mới của nhiều doanh nghiệp dệt may bắt đầu xu hướng chững hoặc giảm từ giữa quý II, nguy cơ ảnh hưởng lợi nhuận nửa cuối năm nay.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu dệt may cán mốc 22,3 tỷ USD 6 tháng đầu năm, tăng trên 20% so với cùng kỳ 2021. Phần lớn doanh nghiệp đều có đơn hàng đến hết quý III hoặc tháng 10.

Năm nay ngành này đặt mục tiêu xuất khẩu cả năm 42-43,5 tỷ USD, nhưng đà tăng trưởng có dấu hiệu chững lại từ giữa quý II khi các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU rơi vào vòng xoáy lạm phát. Đơn hàng ký mới giảm và khách hàng rút ngắn thời gian đặt trước từ 6 tháng xuống còn 3 tháng.

Đều đặn mỗi tháng trước đây, công ty may chuyên sản xuất quần áo thời trang trẻ em tại Đồng Nai do chị Thái Minh quản lý nhận được đặt hàng mới 80.000 – 100.000 sản phẩm từ đối tác Mỹ. Nhờ đó cộng dồn doanh nghiệp này “full” đơn hàng tới hết tháng 10. Hai tháng trở lại đây, đơn hàng nhận mới bắt đầu chững lại, số lượng giảm 20-30% so với trước.

Tình trạng này, theo chị Minh sẽ chưa cải thiện trong ngắn hạn nếu thông tin về lạm phát tại Mỹ không khả quan, người dân tiếp tục siết chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu.

“Chúng tôi đang xúc tiến chào hàng sang Canada, Mexico – các nước trong khu vực Bắc Mỹ có nhiều đặc điểm tiêu dùng tương đồng. Hy vọng có được vài hợp đồng mới cho mùa vụ cuối năm”, chị chia sẻ.

Đơn hàng dệt may giảm chủ yếu do thị trường các nước nhập khẩu, nhất là Mỹ, EU tiêu thụ chậm, tỷ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng và áp lực lạm phát neo ở mức cao nửa cuối 2022, đầu năm 2023. Lúc này, khách hàng có thể điều chỉnh giảm hoặc hủy đơn đột ngột.

Công nhân nhà máy dệt Thành Công trong giờ làm việc, cuối năm 2021. Ảnh: An Phương

Công nhân nhà máy dệt Thành Công trong giờ làm việc, cuối năm 2021. Ảnh: An Phương

Cuộc xung đột Nga – Ukraine xảy ra, cùng với các động thái siết chặt, trừng phạt Nga của các nước phương Tây khiến giá năng lượng, lương thực leo thang. Lạm phát tại Mỹ, EU vì thế cũng không ngừng tăng từ tháng 4 đến nay.

Số liệu từ cơ quan thống kê Eurostat cho thấy, lạm phát tại 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã tăng lên mức kỷ lục 8,6% trong tháng 6, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.

Với Mỹ, nước này đang chứng kiến lạm phát cao nhất 40 năm, lên 9,1% trong tháng 6. Nhiều người Mỹ dư dả tài chính nhờ các khoản hỗ trợ hào phóng sau Covid-19 của chính phủ, giờ đây cũng đang phải tiết kiệm chi tiêu khi lạm phát, vật giá tăng phi mã.

“Hồi đầu năm, sau khi Covid-19 được kiểm soát, các nước mở cửa trở lại, đối tác tuần nào cũng hối thúc chúng tôi gửi hàng, chuyển hàng sớm, giờ họ rất thờ ơ”, chị Thái Minh nói.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lực cầu hàng dệt may nửa cuối năm sẽ giảm do tình trạng “quá mua” của người tiêu dùng và lạm phát leo thang khiến họ thắt chặt chi tiêu vào các sản phẩm không thiết yếu, như thời trang.

Ngoài ra, tác động kép của gián đoạn chuỗi cung ứng sau dịch và xung đột Nga – Ukraine nên giá nguyên liệu ngành may, nhất là vải, bông tăng khoảng 7-10% so với cùng kỳ 2021. Trong khi tình trạng thiếu lao động sau dịch chưa mấy cải thiện, cước vận tải, chi phí nhân công vẫn neo ở mức cao do giá xăng dầu tăng… tác động tiêu cực tới toàn bộ chuỗi cung ứng dệt may, từ nhà sản xuất tới bán lẻ. Biên lợi nhuận của các công ty sản xuất trong nước tiếp tục thu hẹp.

“Giá nhiên liệu, cước vận chuyển, logistics tăng sẽ ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2022 và có thể là cho đến tận năm 2023”, ông Thân Đức Việt, CEO May 10 nói.

Dệt may cũng bị ảnh hưởng gián tiếp khi đồng euro mất giá so với USD. Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu nhận xét, euro yếu đi sẽ khiến biên lợi nhuận của nhà mua hàng ở các quốc gia EU giảm, dẫn tới họ sẽ có động thái cắt giảm chi phí. “Điều này chắc chắn gây nên những áp lực về giá với các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trong nửa cuối năm”, ông Hiếu nói.

tỷ đồngKim ngạch xuất khẩu dệt may(Từ năm 2015 – tháng 6/2022)2016201820202022051015202530354045VnExpress

Vì thế, VDSC dự báo lợi nhuận các công ty ngành dệt may Việt Nam sẽ phân hóa trong nửa cuối năm. Điều này đến từ cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước về nguyên liệu đầu vào và đầu ra trong bối cảnh đơn hàng không dồi dào như đầu năm.

Trước những biến động khó lường, một vài doanh nghiệp trong ngành đã tính toán và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay về mức thận trọng hơn hoặc dự báo đi ngang. Chẳng hạn, đại hội cổ đông May Sông Hồng thông qua kế hoạch doanh thu thuần tăng 3% so với 2021, khoảng 5 tỷ đồng; nhưng lợi nhuận trước thuế là 500 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ.

Quý I, lợi nhuận gộp của Sợi Thế kỷ tăng 17,5% trong quý I do sản lượng sợi chất lượng thấp hơn tồn kho được bán ra. Công ty này dự kiến biên lợi nhuận gộp quý II duy trì ở mức 18%, tương đương cùng kỳ 2021…

Tuy vậy, theo VDSC, một số doanh nghiệp sẽ có khả năng tăng trưởng tốt, lợi thế cạnh tranh hơn nhờ năng lực sản xuất và tập khách hàng lớn, sản phẩm thuộc phân khúc ít bị thắt chặt chi tiêu (hàng thể thao, phân khúc cao cấp).

Số này cũng ít bị ảnh hưởng về chi phí nguyên liệu hơn so với những công ty cùng ngành do chủ yếu làm hàng FOB (doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm làm đơn hàng, giao hàng tại cảng và không phải chịu chi phí phát sinh từ vận chuyển, bảo đảm hàng từ cảng tới điểm giao cuối cùng).

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG, nhìn nhận mức độ ảnh hưởng sẽ không đồng đều giữa các doanh nghiệp trong ngành.

“Doanh nghiệp lớn, có uy tín, tích luỹ có thể cải tiến, tiết kiệm chi phí để điều chỉnh giá cho khách hàng. Do đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn vẫn sẽ ổn”, ông bình luận và kỳ vọng, nếu lạm phát được kiểm soát và sức mua của người tiêu dùng tăng lên, ngành sẽ phục hồi tốt.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ